GD&TĐ - Thương HS hàng ngày vất vả lặn lội vượt đường dốc núi, đường đất tới trường, thầy cô giáo Trường Tiểu học Yên Lâm I (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã góp công, góp của để dựng cầu bắc qua suối, nối từ điểm trường đến nơi ở của HS và gia đình các em.

 

Thầy cô giáo vận động người dân cùng làm cầu cho HS đi học
Thầy cô giáo vận động người dân cùng làm cầu cho HS đi học

 

Xóm “3 không”

Xóm Gốc Chanh (thôn Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) là vùng sâu xa nhất của xã Yên Lâm với 22 hộ gia đình, 100 nhân khẩu. Nơi đây 3 không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không đường nhựa. Đường đi nơi đây chủ yếu là dốc núi và đường đất, trong những ngày trời mưa đường trơn trượt không thể đi được xe máy.

Phục vụ cho nhu cầu học tập ở khu vực khó khăn này, điểm trường Gốc Chanh thuộc Trường Tiểu học Yên Lâm I (xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) được hình thành. Tại điểm trường này có 3 lớp của bậc Tiểu học và 1 lớp của bậc Mầm non với 13 học sinh tiểu học, 18 học sinh mầm non.

Thương học sinh và người dân vất vả mỗi khi qua lại, giáo viên trong trường cùng các bác bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn đã cùng bàn bạc để dựng nên một cây cầu tại thôn Thài Khao, bắc qua suối dẫn đến điểm trường Gốc Chanh thuộc Trường Tiểu học Yên Lâm I, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên.

 "Công trường" lúc đông có tới 30 người là giáo viên và người dân trong thôn góp sức làm cầu

 

Tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, các thầy giáo đều có mặt tại "công trường" làm cầu

 

Hơn 1,5 tháng không ngày nghỉ

Vấn đề đầu tiên là vận động quyên góp tài chính. Thầy Đặng Đàm Trọng - Giáo viên trường Tiểu học Yên Lâm I đã đứng ra chủ trì, vận động tập thể giáo viên và người dân, hộ kinh doanh, nhà hảo tâm đóng góp.

Mọi người đều rất vui vẻ, nhiệt tình chung tay ủng hộ, như thầy Vinh, thầy Quân góp 6 triệu đồng tiền hàn cầu; em Trần Thị Thùy Dương – hộ kinh doanh tự do quyên góp 30 triệu đồng; anh Đặng Như Quỳnh, hộ kinh doanh tự do tại Hà Nội - (đại diện Quỹ xây dựng trường vùng cao (hộ kinh doanh tự do) ủng hộ 45.000.000đ; hay em Trọng, đóng góp vừa tiền mặt, vừa nguyên vật liệu, thuê thiết bị, cước xe tổng trị giá gần 19 triệu đồng…

Người góp của, người góp công, có những khi có 30 người vừa thầy cô giáo, vừa nhân dân trong thôn đổ bê tông, khiêng dầm cầu. “Chốt” quân số thường xuyên ở công trình là 4 người: Thầy Trọng, thầy Vinh, bác Quyền Bí thư chi bộ thôn, chú Cảnh trưởng thôn.

Trong suốt thời gian làm cầu, các giáo viên không có ngày nghỉ, tranh thủ những ngày cuối tuần Thứ Bảy, Chủ nhật; các ngày nghỉ lễ và những buổi chiều không phải lên lớp, quần quật làm cầu.

Khởi công từ ngày 1/4/2019, đến 19/5/2019, cây cầu hoàn thành trong niềm vui sướng của người dân xóm Gốc Chanh và các thầy cô giáo. Tổng số tiền làm cầu là gần 58 triệu đồng.

Con suối ngăn bước chân của HS, người dân đi lại khi xưa...

 

Cây cầu nối bờ tri thức hôm nay

 

 

Cây cầu nối bờ tri thức

Xóm Gốc Chanh giờ đây có một cây cầu sắt vững chãi, dài 13,5m, rộng 1,25m. Cầu có 4 trụ; trong đó 1 trụ được đặt trực tiếp trên nền của mặt bằng có đá bàn. Mặt cầu được thiết kế bằng tôn nhám chống trơn có độ dày 3ly được sơn chống gỉ giúp cho người qua cầu không bị trơn, trượt. Thành cầu là lan can sắt cao 0,6m, đảm bảo cho người già, trẻ nhỏ qua suối an toàn.

Cây cầu thể hiện tình cảm của thầy cô giáo với học trò hằng tuần đưa chân khoảng 15 em học sinh THCS từ nhà tới trường. Trung bình mỗi ngày có 60 – 70 lượt người qua lại. Việc đi lại thuận tiện khiến HS thích đến trường, đến lớp hơn, thầy cô giáo cũng có điều kiện để thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với cha mẹ HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học.

Được biết sau khi xây cầu xong, số tiền quyên góp vẫn còn dư được thầy Trọng sử dụng để sửa lại mái tôn của 2 lớp học đã hỏng, dột của điểm trường Thài Khao, làm 4 xích đu cho 2 điểm trường Thài Cao và Cọ Cỏm của Trường Tiểu học Yên Lâm.

Theo báo Giáo dục & Thời đại